Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

NHỮNG NHÂN VẬT TIÊU BIỂU CỦA HỌ NGUYỄN Ở BA VÌ .

NHỮNG NHÂN VẬT TIÊU BIỂU CỦA HỌ NGUYỄN Ở BA VÌ .
+TẢN VIÊN SƠN (NGUYỄN TUẤN ):
Tản Viên Sơn Thánh , còn gọi là Sơn Tinh , là vị thần cai quản dãy núi Ba Vì (núi Tản Viên), một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt (tứ bất tử). Các sự tích, truyền thuyết về Đức thánh Tản (đặc biệt là truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh), thể hiện khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt, mở đất, dựng nước.
Hiện có hai quan niệm và cách giải thích nguồn gốc xuất thân của Tản Viên:
Các học giả thời phong kiến cho Tản Viên là "hạo khí anh linh của trời đất sinh ra, hoặc cho "là 1 trong 50 người con của Lạc Long Quân, Âu Cơ theo cha xuống biển". Chàng "từ biển đi vào, qua cửa Thần Phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang". Từ đấy, "nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình", nên chàng "đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía Nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập diện để nghỉ ngơi. Các tác giả Lịch triều Hiến chương (Phan Huy Chú) và Việt sử Thông giám cương mục... cũng đều có những quan niệm tương tự.

Trong khi đó theo quan niệm của dân gian, được thể hiện qua các bản thần thích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực, xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ trong dân chúng. Chàng tên thực là Nguyễn Tuấn, có tài "hô phong hoán vũ", dũng cảm.

Sơn Tinh được Hùng Vương kén làm rể, gả con gái Mỵ Nương. Sau đó, Thủy Tinh vì không được chọn, đã nổi giận đem binh đến đánh, xảy ra các cuộc chinh chiến trong nhiều năm trời. Kết cục, Thủy Tinh luôn là kẻ bại trận.
+TẢN ĐÀ ( NGUYỄN KHẮC HIÊU ):
Ông sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 - mất ngày 7 tháng 6 năm 1939 tên thật Nguyễn Khắc Hiếu , là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.

Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".

Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.
Xuân Diệu
“ Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của cái thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ ”
+NGUYỄN SƯ MẠNH :
Ông người làng Cổ Đô Hà Tây, thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời Lê Thánh Tông. Được bổ làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu, cử đi sứ Trung Quốc năm 1500.

Có nhiều giai thoại về chuyến đi sứ này: Khi vào yết kiến vua nhà Minh, Nguyễn Sư Mạnh không cài khuy áo, đế hở bụng. Vua Minh giận dữ, cho là sứ thần nước Nam thất lễ, hạch tội khi quân, định trục xuất về nước.

Nguyễn Sư Mạnh quỳ tâu rằng: Vì đường sá xa xôi, bụng thần đầy chữ, nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ khú mất chữ thánh hiền, thần xin được phanh áo ra hong, mong nhà vua đại xá.

Nghe vậy, vua Minh vừa muốn thử tài, vừa muốn hại người nước Nam, thách Nguyễn Sư Nam viết lại cuốn sách Thiên Vi Chính. Nguyễn Sư Mạnh nhận lời. Vua Minh còn hạ lệnh trong 30 ngày phải hoàn tất. Vua Minh chắc mẩm sứ thần nước Nam không thể làm nổi việc đó, sai người theo dõi. Nhưng sau nhiều ngày, gần hết thời hạn quy định mà không thấy sứ Nam làm gì, chỉ ngồi đánh cờ. Đến ngày thứ 25, vua Minh sai người nhắc nhở, Nguyễn Sư Mạnh trả lời: "Ngày mai thần sẽ viết".

Đến ngày thứ 29, ông đã dâng một bản chép Thiên Vi chính cho vua Minh. Nhận sách, vua Minh khen sứ thần có trí nhớ tuyệt vời, sách chép lại y như bản chính, chỉ có chữ công thừa một dấu chấm. Vua Minh hạch tội, Nguyễn Sư Mạnh khẳng khái nói: Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa. Vua Minh cho đem bản gốc ra so sánh thì y như lời Nguyễn Sư Mạnh, chữ công cũng thừa dấu chấm thật.

Phục tài, vua Minh không lý gì để làm hại sứ thần nước Nam, lại phong cho ông chức Thượng thư của Trung Quốc. Bốn chữ Lưỡng quốc Thượng thư được khắc tại từ đường họ Nguyễn Cổ Đô nhắc đến công lao của nhà ngoại giao đại tài Nguyễn Sư Mạnh.
+NGUYỄN BÁ LÂN :
Ông sinh tại xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong (cũ), trấn Sơn Tây; nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Quê tổ ba đời của ông ở làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc; sau vì thích phong thủy làng Cổ Đô nên mới dời đến đây.

Cha ông là danh sĩ Nguyễn Công Hoàn, từng được xếp hàng thứ ba trong "tứ hổ" ở kinh thành Thăng Long xưa (nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn)[3]. Tuy vậy, ông Hoàn lại lận đận về đường khoa cử, không đỗ đạt gì, chỉ chuyên nghề dạy học. Các chức tước mà ông có, đều là nhờ con (Nguyễn Bá Lân) làm chức lớn nên cha được phong tặng theo tục lệ ngày trước.

Vốn hiếu học, có tài văn chương, lại được cha dạy dỗ chu đáo; nên khoa Tân Hợi (1731) đời vua Lê Thuần Tông, Nguyễn Bá Lân thi đỗ Tiến sĩ.

Buổi đầu, ông được cử làm Giám khảo kỳ thi Hội, rồi Phiên tào ở phủ chúa Trịnh Giang. Đến 1740, tức đầu đời vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh, thì ông đã làm Tả chấp pháp ở bộ Hình.

Sau đó, ông cùng với Đốc lãnh Trần Đình Miên (còn có tên là Cẩm) đem quân đi đánh Sơn Tây trong cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất

Năm 1744, bổ ông làm Lưu thủ trấn Hưng Hóa, sau làm Đốc trấn Cao Bằng.

Năm 1756, ông được triệu về kinh đô Thăng Long nhận chức Thiêm đô ngự sử, vào phủ chúa giữ chức Bồi tụng (chức thứ hai sau Tham tụng), tước Lễ Trạch hầu, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng).

Đến năm Bính Tuất (1766), ông xin hưu. Nhưng chẳng lâu sau, ông lại được chúa Trịnh Doanh mời ra coi việc từ tụng.

Năm 1767, xảy ra nạn hạn hán, chúa Trịnh Sâm cầu lời nói thẳng. Nguyễn Bá Lân dâng sớ xin tha thuế cho dân và minh oan cho nhiều người, đều được chúa nghe theo.

Ít lâu sau, ông lại tâu với chúa việc quân sự ở Hưng Hóa và bày mưu kế đánh dẹp cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất, được chúa khen giỏi, cho cai quản cơ Tả Nhuệ và làm Tuyên phủ sứ đạo Hưng Hóa.

Năm Canh Dần (1770), ông lại xin về hưu vì tuổi đã cao, nhưng chúa Trịnh Sâm chưa cho nghỉ hẳn, vì vẫn muốn lưu ông ở kinh để phòng khi hỏi đến. Xét công lao đánh dẹp, ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ, rồi Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, được liệt vào bậc Ngũ lão hầu chúa.

Năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Bá Lân mất, thọ trên 80 tuổi, được đưa về an táng tại quê nhà. Khi mất, ông được truy tặng chức Thái tể, tước Quận công.

Không có nhận xét nào: